Nghe hơi rùng rợn ha mọi người, nhưng điều đó là sự thật, bạn sẽ dần chết đi từ tâm hồn đến tâm trí, tùy thuộc vào khoảng thời gian bạn từ bỏ việc tiếp thu kiến thức trong cuộc sống.
Mọi người có ai từng trải qua cảm giác “không muốn làm gì cả” nhưng mà là vì “mình không đủ khả năng” để làm điều đó thật sự, chứ không phải vì chán chường không? Bạn thử nhìn lại cảm giác đó, xem có phải đó chính là lúc bạn “bỏ học” một thời gian dài hay không. Khi bạn không tiếp thu những kiến thức mới, bài học, trải nghiệm trong một thời gian dài, mà chỉ quay đi quẩn lại với những gì bạn đã biết, rồi sẽ đến một ngày bạn sẽ cảm thấy mình không còn đủ “nhiệt”, đủ kiến thức, thậm chí là đủ can đảm để làm một điều gì đó mới hơn. Mình đã trải nghiệm qua điều này – và hy vọng bạn sẽ không như thế.
Mình đã vượt qua điều đó như thế nào? Thực tế có nhiều cách để học, mình sẽ viết từ những cái to lớn đến những cái nhỏ hơn để bạn cảm thấy thú vị đó:
- Đi học thêm lớp học bên ngoài: Đây là một sự lựa chọn tuyệt vời nhất đối với những bạn chưa có khả năng tự học tốt, dễ mất tập trung, hoặc đơn giản là chưa tìm ra được thứ gì mình thật sự thích và học được. Có thể là một lớp tiếng Anh giao tiếp, một lớp học nhạc, một lớp về SEO marketing chẳng hạn… Tuy nhiên, mình rất rất mong các bạn có thể chọn được “môn học” gần với công việc của mình nhất để có thể vừa phụ trợ cho công việc, vừa khiến bạn hiểu thêm được nhiều khía cạnh khác nhau trong ngành nghề của mình. (Đề xuất 9/10)
- Tự học ở nhà: Là một trong những điều mà mình cảm thấy nó sẽ hiệu quả nhất đối với những người “biết mình cần làm những gì”. Học? Với mọi người thì sao chứ mình đã “học quay TikTok” :)) Đến đây, bạn cần phải “think outside the box” cùng với mình thôi. Đừng quá gán ghép việc học là phải học một cái gì đó quá lớn lao mà bạn khó có thể tìm thấy niềm vui và sự hứng thú với nó.
- Học từ việc đọc sách: Là một điều rất hiển nhiên mà mình nghĩ mọi người đã bỏ qua khi nhắc đến chuyện “học”. Mình từng đọc câu “Man who reads books lives a thousand lives”, và mình cũng đã trải nghiệm điều đó. Mỗi câu chuyện mình đọc qua, đôi lúc được viết trên góc nhìn của nhân vật, hay là góc nhìn của tác giả, đôi lúc là góc nhìn của một nhân vật trong sách. Mình cứ như sống trong cuộc đời của nhân vật đó trong khoảnh khắc ấy vậy. Mình hiểu được vì sao con người ta lại làm như vậy, vì sao cuộc đời họ lại như thế. Và mình chia sẻ với các bạn luôn là mình đã học rất nhiều từ truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, truyện dài. Mình đã trải qua cuộc đời trong cuốn sách Còn chút gì để nhớ của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, mình đã trải qua cuộc đời của Tĩnh Phong trong Người đi bán nắng, và mình cũng đã trải qua cảm xúc của Mễ trong Khóc giữa Sài Gòn. Vậy nên, bạn cũng đừng gò bó quá, phải đọc những cuốn sách “khó” với những chủ đề về kinh tế hay triết học. Hãy chọn cuốn sách bạn thích và chọn lọc những điều tốt nhất để học từ nó.
- Học từ việc đi cafe: Nghe có vẻ lạ ha, nhưng thật ra khi đi cafe, bạn cũng học được luôn đó. Đi cafe với bạn để chia sẻ học hỏi những điều hay thì đó là điều tất nhiên rồi ha. Nhưng mà đi cafe một mình cũng học được luôn. Cách nào ư? Chính là quan sát – thứ mà bạn đã lâu rồi không thực hành. Nhìn cách người ta bưng ly nước, mình học được đâu là cách bưng ly tốt nhất – đừng cầm nơi miệng ly. Nhìn cách người ta tính tiền cho mình, mình nhận ra rằng nếu là mình, mình sẽ nở một nụ cười thật tươi và nói lời cám ơn trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là khi người khác đã cảm ơn mình trước. Nhìn vào cách người ta vận hành một quán cafe, bạn có thể rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình khi có ý định hoạt động một doanh nghiệp nào đó.
Vậy là việc học có dễ “không”? Quá dễ – khi bạn biết được mình đang cần phải học. Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ bị lạc khi không có đích đến, nên nếu mục tiêu của bạn là phát triển, thì hãy đừng dừng lại. Nhất là việc học.
Hãy nhớ điều này, trên một con đường mà người ta chỉ chú ý đến những người đang chạy, nếu bạn dừng lại, có nghĩa là bạn đang bị thụt lùi.